Béo phì có thể làm tăng nguy cơ biến chứng lâu dài của COVID-19

Một nghiên cứu của Phòng khám Cleveland cho thấy những người sống sót sau COVID-19 bị béo phì mức độ trung bình hoặc nặng có thể có nhiều nguy cơ gặp phải hậu quả lâu dài của bệnh hơn so với những bệnh nhân không bị béo phì. Nghiên cứu gần đây đã được công bố trực tuyến trên tạp chí Diabetes, Obesity and Metabolism (Tiểu đường, Béo phì và Chuyển hóa).

 

Nhiều nghiên cứu đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ phát triển một dạng COVID-19 nghiêm trọng đòi hỏi phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh. Béo phì, là một căn bệnh phức tạp do nhiều yếu tố gây ra, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cục máu đông và các bệnh về phổi. Ngoài ra, béo phì làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tạo ra trạng thái viêm mạn tính. Những tình trạng đó có thể dẫn đến kết cục xấu sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2, là vi- rút gây ra COVID-19.

Ali Aminian, bác sĩ, giám đốc của Viện nghiên cứu điều trị béo phì & chuyển hóa của Phòng khám Cleveland và điều tra viên chính của nghiên cứu cho biết: “Theo hiểu biết của chúng tôi, nghiên cứu hiện tại này lần đầu tiên cho thấy rằng những bệnh nhân béo phì từ trung bình đến nặng có nguy cơ phát triển các biến chứng lâu dài của COVID-19 ngoài giai đoạn cấp tính.”

Trong nghiên cứu quan sát này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng danh sách các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với nhiễm SARS-CoV-2 trong hệ thống y tế Cleveland Clinic trong thời gian 5 tháng từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 7 năm 2020, với thời gian theo dõi cho đến tháng 1 năm 2021.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra ba chỉ số về các biến chứng lâu dài có thể xảy ra của COVID-19 nhập viện, tỷ lệ tử vong và nhu cầu xét nghiệm y tế chẩn đoán – xảy ra sau 30 ngày hoặc muộn hơn sau khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dương tính đầu tiên. Kết quả được so sánh giữa năm nhóm bệnh nhân dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI) của họ: 18,5-24,9 (bình thường), 25-29,9 (thừa cân), 30-34,9 (béo phì nhẹ), 35-39,9 (béo phì trung bình), và 40 trở lên (béo phì nặng). Béo phì là một căn bệnh được phân loại là có chỉ số BMI từ 30 trở lên.

Tổng số 2.839 bệnh nhân không cần nhập ICU và sống sót sau giai đoạn cấp tính của COVID-19 đã được đưa vào kết quả cuối cùng của nghiên cứu này. Nhóm BMI bình thường được coi là một tham chiếu.

Nghiên cứu cho thấy tình trạng sức khỏe được gọi là di chứng sau cấp tính của nhiễm SARS-CoV-2 (PASC) là một vấn đề cực kỳ phổ biến ở những người sống sót sau COVID-19. Cụ thể, trong 10 tháng theo dõi sau giai đoạn cấp tính của COVID-19, 44% số người tham gia nghiên cứu phải nhập viện và 1% tử vong. Hơn nữa, kết quả cho thấy rằng so với những bệnh nhân có BMI bình thường, nguy cơ nhập viện cao hơn lần lượt là 28% và 30% ở những bệnh nhân béo phì vừa và nặng. Nhu cầu xét nghiệm chẩn đoán để đánh giá các vấn đề y tế khác nhau, so với bệnh nhân có BMI bình thường, cao hơn lần lượt là 25% và 39% ở bệnh nhân béo phì vừa và nặng.

Cụ thể hơn, nhu cầu xét nghiệm chẩn đoán để đánh giá các vấn đề sức khỏe tim, phổi, mạch, thận, tiêu hóa và tâm thần cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân có BMI từ 35 trở lên so với những bệnh nhân BMI bình thường.

“Các quan sát của nghiên cứu này có thể được giải thích bởi các cơ chế cơ bản tại nơi làm việc ở những bệnh nhân béo phì, chẳng hạn như tăng viêm, rối loạn chức năng miễn dịch và các bệnh đi kèm”, Bartolome Burguera, bác sĩ, tiến sĩ, giám đốc của Viện nghiên cứu điều trị béo phì & chuyển hóa của Phòng khám Cleveland và đồng điều tra viên của nghiên cứu cho biết, “Những tình trạng đó có thể dẫn đến kết quả xấu trong giai đoạn cấp tính của COVID-19 ở bệnh nhân béo phì và có thể dẫn đến tăng nguy cơ biến chứng lâu dài của COVID-19 ở nhóm bệnh nhân này.”

Các nghiên cứu trong tương lai được lên kế hoạch để xác nhận những phát hiện của nghiên cứu này rằng béo phì là một yếu tố nguy cơ chính đối với sự phát triển của PASC và xác định việc theo dõi lâu dài và nghiêm ngặt mà bệnh nhân béo phì cần sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Tài liệu tham khảo:

Ali Aminian, James Bena, Kevin M. Pantalone, Bartolome Burguera. Association of Obesity with Post‐Acute Sequelae of COVID‐19 (PASC)Diabetes, Obesity and Metabolism, 2021; DOI: 10.1111/dom.14454

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2021/06/210603171255.htm

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi nhóm Nội tiết trẻ – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!

Người dịch: Thư Võ

Hiệu đính: BS. Huỳnh Lê Thái Bão

Xem thêm

Xét nghiệm PCR trong chẩn đoán y khoa

                XÉT NGHIỆM PCR TRONG CHẨN ĐOÁN Y KHOA            TS. Trần Bá Thoại  …