Sử dụng xét nghiệm COVID-19 kháng thể nhanh để xác người đã từng nhiễm SARS-CoV-2 (Ca F0)!

SỬ DỤNG XÉT NGHIỆM COVID-19 KHÁNG THỂ NHANH ĐỂ XÁC ĐỊNH NGƯỜI

ĐÃ TỪNG NHIỄM SARS-CoV-2 (CA F0)!

       TS. Trần Bá Thoại   

BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM

 

   

  I. LỜI MỞ

Trong dự thảo Kế hoạch phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP HCM sau ngày 15/9, Thẻ xanh có giá trị 6 tháng, chỉ được cấp cho những người: Tiêm đủ 2 liều vaccine, Mắc bệnh đã khỏi; và F0 điều trị tại nhà. Trong họp báo chiều 12/9, đại diện Sở Y tế thành phố cho rằng “Những trường hợp F0 tự điều trị tại nhà không báo chính quyền địa phương để ghi nhận vào hệ thống thì “khó có cơ sở để cấp giấy chứng nhận” [9].

Theo tư liệu y học trong và ngoài nước, xét nghiệm nhanh kháng thể có thể giúp xác định người nào đó từng mắc bệnh hay chưa.

Vậy có thể dùng xét nghiệm nhanh kháng thể này làm tiêu chí xác định một người đã từng tự điều trị lành F0 tại nhà hay không ?

 II. NGUYÊN LÝ XN KHÁNG THỂ

SARS-CoV-2 vào cơ thể sẽ kích hoạt cả hệ thống miễn dịch qua trung gian tế bào lympho B và lympho T tạo ra hai  loại đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào.

Miễn dịch dịch thể là các kháng thể do lympho B tổng hợp chống lại các kháng nguyên chính là protein S (spike) và protein N (nucleocapsid). Protein S chứa hai tiểu đơn vị, S1 và S2. Tiểu đơn vị S1 chứa RBD (receptor binding domain) giúp nCoV gắn kết với tế bào vật chủ, và RBD là mục tiêu chính của các kháng thể trung hòa.

Các kháng thể, IgM, IgG và IgA, chống lại protein S và hai tiểu đơn vị của nó có thể phát hiện được 1-3 tuần sau khi nhiễm bệnh, và còn tồn tại từ 6 tháng đến 1 năm sau khi hồi phục bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 5-10% không phát hiện được kháng thể IgG sau khi nhiễm trùng.

Các xét nghiệm kháng thể được phát triển nhằm tìm kiếm những loại globulin miễn dịch (kháng thể) IgM, IgG và IgA trong máu, gián tiếp phát hiện virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người được kiểm tra.

 

   III. HAI LOẠI XN KHÁNG THỂ  

Xét nghiệm kháng thể được chia ra 2 loại là liên kết và trung hòa.

  1. CÁC XN KHÁNG THỂ LIÊN KẾT

Sử dụng thuốc thử (kháng nguyên) là các protein tinh khiết của SARS-CoV-2, để xác định các loại kháng thể riêng lẻ, như IgG, IgM và IgA.

Cả IgM và IgG có thể được phát hiện cùng một lúc sau khi nhiễm trùng. Trong khi IgG còn tồn tại khá lâu thì IgM chỉ phát hiện được vài tuần đến một tháng sau khi nhiễm trùng. IgA có thể được phát hiện trong dịch tiết nhầy như dịch mũi, nước bọt ngoài máu.

Xét nghiệm kháng thể liên kết có 2 cách thực hiên:

* Xét nghiệm kháng thể nhanh, tại điểm chăm sóc (oint-of-care, POC) giúp phát hiện IgG và IgM, hoặc tất cả kháng thể, với mẫu nghiệm là giọt máu đầu ngón tay.

* Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm ELISA hoặc CIA nhằm phát hiện kháng thể trong huyết thanh, huyết tương, máu toàn phần và các vết máu khô.

  1.  CÁC XN KHÁNG THỂ TRUNG HÒA

   Nhằm xác định khả năng ức chế, ngăn chặn virus SARS-CoV-2 nuôi cấy trong ống nghiệm khi ủ với huyết thanh hoặc huyết tương của người thủ. Có 3 xét nghiệm kháng thể trung hòa:

* Xét nghiệm trung hòa virus (virus neutralizing test, VNT), như xét nghiệm trung hòa giảm mảng bám, sử dụng chủng virus SARS-CoV-2 phân lập lâm sàng hoặc tái tổ hợp.

* Xét nghiệm trung hòa virus “giả” (pseudovirus VNT), sử dụng các pseudovirus tái tổ hợp như virus viêm miệng mụn nước (vesicular stomatitis virus, VSV), các lentiviruses….

* Xét nghiệm trung hòa cạnh tranh (competitive VNT) được phát triển để phát hiện các kháng thể có khả năng trung hòa, ngăn cản sự kết hợp của RBD với thụ thể ACE-2. Thử nghiệm bắt chước tương tác của RBD với thụ thể ACE-2.

 IV. XN KHÁNG THỂ LÚC NÀO VÀ GIÁ TRỊ RA SAO?

  Khác với hai xét nghiệm chẩn đoán là xét nghiệm kháng nguyên, và RT-PCR, xét nghiệm kháng thể hay xét nghiệm huyết thanh, là những xét nghiệm gián tiếp, thường được chỉ định thực hiện trong các tình huống:

*  Người chưa tiêm chủng vaccine, không có biểu hiện bị COVID-19, muốn biết mình có từng bị nhiễm SARS-CoV-2, là F0, trong quá khứ chưa ?

* Người đã phục hồi hoàn toàn sau khi bị COVID-19, và người được tiêm chủng vaccine sau hơn 1 tháng, để kiểm tra xác định đã phát triển kháng thể chống lại virus hay chưa.

* Người tiêm chủng vaccine, muốn biết khả năng sinh miễn dịch sau khi chủng ngừa

* Một lợi ích khác của xét nghiệm kháng thể là để kiểm tra những người đã khỏi bệnh COVID-19 đủ điều kiện để hiến huyết tương có đủ kháng thể trong máu đáp ứng yêu cầu của liệu pháp “huyết tương hồi phục” (covalescent plasma) không ?

V. THAY LỜI KẾT

Y văn đã chỉ rõ, xét nghiệm kháng thể đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng, giúp nhân viên y tế đánh giá khả năng miễn dịch, để tự bảo vệ trước virus.

Phương pháp xét nghiệm này thường được áp dụng cho cả 3 đối tượng: những người đã mắc, đang nghi ngờ mắc và những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong tài liệu Hướng dẫn về Thử nghiệm Kháng thể COVID-19 của CDC Hoa Kỳ, chỉ rõ:

Kết quả các xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 IgG hiện có được giải thích như:

* Ở một người chưa bao giờ tiêm chủng:

– xét nghiệm dương tính với kháng thể chống lại protein N, S hoặc RBD cho thấy có nhiễm trùng tự nhiên trước đó

* Ở người được tiêm chủng:

– xét nghiệm dương tính với kháng thể chống lại đích kháng nguyên vắc-xin, chẳng hạn như protein S, và âm tính với các kháng nguyên khác cho thấy rằng chúng đã tạo ra kháng thể do vắc-xin và chúng chưa bao giờ bị nhiễm SARS-CoV-2

– xét nghiệm dương tính với bất kỳ kháng thể nào ngoài kháng thể do vắc-xin gây ra, chẳng hạn như protein N, cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 đã được giải quyết hoặc đã giải quyết được có thể đã xảy ra trước hoặc sau khi tiêm chủng [1].

Nghiên cứu của Đại học Y khoa Michigan, Michigan đã chứng minh rằng xét nghiệm kháng thể là phương pháp sàng lọc nhanh, công cụ kiểm tra hiệu quả và đoán nhiễm COVID-19 trước đó [4].

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, và BS Trương Hữu Khanh, Chuyên gia dịch tễ, cố vấn Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đều cho rằng “xét nghiệm kháng thể cho người mắc bệnh có giá trị chứng minh người này đã từng mắc bệnh” [9]

    Theo tôi, TP HCM nên chấp nhận các ý kiến khoa học này

VI.TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Interim Guidelines for COVID-19 Antibody Testing

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/lab/resources/antibody-tests-guidelines.html

[2] How do COVID-19 antibody tests differ from diagnostic tests?

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronavirus/expert-answers/covid-antibody-tests/faq-20484429

[3] Evaluation of the usability of various rapid antibody tests in the diagnostic application for COVID-19

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33334135/

[4] Rapid Antibody COVID-19 Tests Found to be Effective Tools

https://www.contagionlive.com/view/rapid-antibody-covid-19-tests-found-to-be-effective-tools

[5] Evaluation of the usability of various rapid antibody tests in the diagnostic application for COVID-19

https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/0004563220984827

[6] Rapid antibody COVID-19 tests can check immune response

https://news.westernu.ca/2021/01/new-rapid-accurate-antibody-test/

[7] Rapid COVID-19 Antibody Test – FDA EUA & Made in USA

https://www.amazon.com/Rapid-COVID-19-Antibody-Test-Authorized/dp/B08X67137P

[8] COVID-19 Rapid Antibody Test

https://www.thinkmedfirst.com/covid-19-rapid-antibody-test-faq/

[9] Chuyên gia: ‘Xét nghiệm kháng thể chứng minh đã mắc Covid-19’

https://vnexpress.net/chuyen-gia-nen-cho-phep-xet-nghiem-khang-the-chung-minh-tung-mac-covid-19-4355728.html

 

 

Xem thêm

Vaccine di truyền không ảnh hưởng lên bộ gene DNA

 VACCINE DI TRUYỀN KHÔNG ẢNH HƯỞNG LÊN BỘ GENE DNA  GENE ENGINEERING VACCINES CANNOT MUTATE …