Ủy ban các Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ (The US Preventive Services Task Force) khuyến cáo các phụ nữ mang thai cần bổ sung acid folic hàng ngày để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các khuyết tật ống thần kinh, nhưng một nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng mức acid folic thai kì cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp của trẻ.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí về Tăng huyết áp Hoa Kỳ (American Journal of Hypertension), trẻ sinh ra từ những bà mẹ có các yếu tố nguy cơ tim chuyển hóa (cardiometabolic risk) sẽ ít khả năng hơn bị tăng huyết áp nếu các bà mẹ có mức acid folic thai kỳ cao hơn [nguy cơ tim chuyển hóa chỉ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim hoặc đột quỵ – người dịch bổ sung từ Omh.ny.gov].
Các phát hiện này dựa trên những bằng chứng trước đây về mối liên quan giữa yếu tố nguy cơ tim mạch ở mẹ và kết quả tăng huyết áp ở trẻ, cũng như mối liên quan tiềm tàng giữa mức acid folic trong suốt thai kỳ và sức khỏe của trẻ. Mức acid folic cao hơn cũng liên quan đến tỷ lệ thấp hơn tình trạng tăng huyết áp giai đoạn sau này ở người trưởng thành trẻ tuổi (young adult).
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ một nhóm quần thể trẻ sắp chào đời có nguy cơ cao bị tăng huyết áp tại vùng đô thị Hoa Kỳ. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá ảnh hưởng của mức folat trong mối tương quan với các yếu tố nguy cơ tim chuyển hóa ở mẹ đối với huyết áp của trẻ ở 1290 cặp mẹ-con. Những người tham gia nghiên cứu bao gồm các bà mẹ có yếu tố nguy cơ tim chuyển hóa (38,2%), rối loạn tăng huyết áp (14,6%), đái tháo đường (11,1%) và béo phì trước thai kỳ (25,1%).
Trong số các trẻ từ nghiên cứu, 28,7% có tăng huyết áp tâm thu ở độ tuổi từ 3 đến 9 tuổi. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những bà mẹ béo phì, đái tháo đường, và rối loạn tăng huyết áp thì nhiều khả năng sẽ sinh ra trẻ có huyết áp cao hơn.
Những trẻ mà mẹ có nồng độ folat cao hơn sẽ có khả năng xuất hiện tăng huyết áp thời thơ ấu thấp hơn 40%. Các kết quả này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy mức acid folic cao hơn trong thai kỳ có thể đem lại lợi ích trong việc bảo vệ trẻ khỏi những tác động của các yếu tố nguy cơ tim chuyển hóa ở mẹ, mặc dù mức folat của người mẹ không phải là yếu tố duy nhất liên quan đến huyết áp thời thơ ấu của trẻ.
Nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng mặc dù những phát hiện này không chứng minh được rằng mức acid folic của mẹ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp ở trẻ, cần tiến hành thêm các nghiên cứu để tìm hiểu về mối quan hệ này.
Theo Pharmacytimes.com