Bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới (nCoV)

Bệnh viêm phổi cấp do một chủng virus corona mới, ký hiệu là 2019-nCoV, đã được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối tháng 12.2019 và đang lây lan nhanh sang các nước chung quanh và các châu lục khác.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 17 giờ 00 ngày 30/01/2020, tình hình dịch bệnh trên thế giới cụ thể như sau:

– Tổng số trường hợp mắc: 7.823

– Tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc: 108, trong đó tại Việt Nam có 5 trường hợp

– Tổng số trường hợp tử vong: 170, tất cả đều tại lục địa Trung Quốc

Đường lây:

Các Coronavirus lây nhiễm qua các đường sau:

– Lây nhiễm qua đường không khí thông qua việc người mắc bệnh hắt hơi và ho tạo giọt bắn.

– Tiếp xúc với người đang mang bệnh thông qua các cử chỉ thân mật như bắt tay, ôm hôn.

– Vô tình chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt mà không rửa tay sạch sẽ trước đó.

– Lây nhiễm qua đường phân, ô nhiễm phân, con đường này khá hiếm xảy ra.

– Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Dấu hiệu nhiễm nCoV ở người:

– Thời gian ủ bệnh 2 – 14 ngày, trung bình khoảng 5 ngày.

Triệu chứng lâm sàng điển hình bao gồm:

– Sốt cao 39, 40 độ kéo dài liên tục 1 – 2 ngày

– Ho liên tục, ho khan

– Khó thở

– Cơ thể ớn lạnh

– Đau nhức toàn thân

– Mệt mỏi

– Suy hô hấp dẫn đến tử vong

Những triệu chứng này phát triển nhanh thành viêm phổi cấp và có khả năng gây tử vong nếu không có can thiệp điều trị kịp thời.

Điều trị:

Hiện nay chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho coronavirus. Hầu hết những người mắc bệnh coronavirus thông thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, có thể làm một số điều để làm giảm các triệu chứng nếu có:

– Uống thuốc giảm đau và hạ sốt (Chú ý: không cho trẻ em uống Aspirin)

– Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng hoặc tắm nước nóng để giúp giảm đau họng và ho

– Nếu bị bệnh nhẹ nên uống nhiều nước, ở nhà và nghỉ ngơi.

– Nếu các triệu chứng không giảm, nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, cách ly kịp thời.

– Những trường hợp nặng cần được chăm sóc đặc biệt tại khu vực cách ly sử dụng thông khí nhân tạo và oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO).

Dự phòng:

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa coronavirus. Dưới đây là khuyến cáo chung với người dân, khuyến cáo với những người đến Trung Quốc và khuyến cáo với những người từ Trung Quốc trở về của Bộ Y tế để phòng chống dịch:

Khuyến cáo chung với người dân:

1. Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

2. Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm vào mắt, mũi miệng.

3. Khi ho, hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau sử dụng khăn giấy, hãy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay.

4. Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch, thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

5. Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

6. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

7. Đeo khẩu trang khi đi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

Ngày 30.01.2020, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm trưởng Ban chỉ đạo. Phó trưởng Ban chỉ đạo gồm Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo) và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Nhằm phát hiện, điều trị và quản lý kịp thời người bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng ứng phó tiếp nhận, thu dung, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt,…); đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.

Các đơn vị nghiêm túc bảo đảm tổ chức thường trực cấp cứu thường xuyên, liên tục; sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh theo phân tuyến điều trị. Khi có người bệnh nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương (tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh).

Khi có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với chủng virus Corona mới sẽ chuyển người bệnh tới Bệnh viện tuyến cuối theo phân tuyến điều trị:

Theo đó, Bệnh viện Trung ương Huế được phân công tiếp nhận người bệnh khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên).

Các bệnh viện thực hiện nghiêm túc xử trí, điều trị thực hiện theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) ban hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Các bệnh viện lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona và gửi mẫu bệnh phẩm tới Viện Pasteur Nha Trang đối với các tỉnh khu vực Miền Trung.

Các bệnh viện bảo đảm nguyên tắc cách ly triệt để người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 03 khu vực lưu: khu người bệnh nghi ngờ; khu người bệnh đã được chẩn đoán xác định và khu người bệnh trước khi xuất viện.

Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn tại công văn số 96/KCB-ĐD&KSNK ngày 24/1/2020 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh về việc phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus Corona trong bệnh viện. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.

Các bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện tuyến cuối thành lập Đội cơ động thường trực phòng chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới để sẵn sàng hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới theo lệnh điều động của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác truyền thông trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, người nhà người bệnh về các biện pháp phòng hộ cá nhân (sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên,…); và cho cán bộ y tế về quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng hộ cá nhân.

Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa phương, tuân theo các khuyến cáo dự phòng bệnh, không đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết và nhất là không hoang mang lo lắng quá mức cũng như cần cảnh giác trước những thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội nếu có.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quyết định 125/QĐ-BYT ngày 16//2020 về việc Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) và 181/QĐ-BYT ngày 21/01/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)

  1. Website Bộ Y tế: https://www.moh.gov.vn

3. WHO.int. link: https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019

4. CDC Hoa Kỳ: link https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/index.html

PGS.TS Trần Xuân Chương,

Chủ nhiệm BM Truyền nhiễm,Trường Đại học Y Dược Huế;

Chi hội trưởng Chi hội Truyền nhiễm- HIV/AIDS, Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo VADE

Xem thêm

Kiểm soát đường huyết nhanh chóng trong giai đoạn đầu của bệnh đái tháo đường để có kết quả tốt nhất.

Theo UKPDS điều quan trọng là phải xác định những người mắc đái tháo đường …