Tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”, nhưng huyết áp thấp cũng là bệnh nguy hiểm không kém.
Hiện nay bên cạnh con số bệnh nhân bị tăng huyết áp rất cao, chiếm khoảng 40% dân số thì cũng có không ít bệnh nhân bị chứng huyết áp thấp. Vậy khi bị huyết áp thấp thì dùng thuốc như thế nào?
Huyết áp thấp là khi trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương dưới 60mmHg (huyết áp trung bình là 120/80mmHg). Nhiều trường hợp huyết áp thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là thể nhồi máu não. Ngoài ra, người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao… Nếu huyết áp thấp kéo dài, còn làm suy yếu các cơ quan quan trọng như thận, gan, tim, phổi…
Nhiều nghiên cứu cho thấy, huyết áp thấp có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc. Đối với những người khỏe mạnh có huyết áp thấp (hơi thấp một chút so với tiêu chuẩn) nếu không có các triệu chứng bất lợi hoặc không có tổn thương thực thể các cơ quan thì không cần điều trị. Tuy nhiên, những người có huyết áp giảm đáng kể so với bình thường cần được khám đánh giá tình trạng bệnh một cách toàn diện và đầy đủ, ngay cả khi không có triệu chứng và can thiệp với các cách khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng huyết áp thấp, vì vậy việc điều trị phải dựa theo các nguyên nhân gây bệnh.
Chóng mặt, choáng váng khi đứng lên biểu hiện thường gặp ở hạ huyết áp tư thế.
Huyết áp thấp do mất nước
Nguyên nhân gây huyết áp thấp do mất nước có thể là do đổ mồ hôi quá nhiều hay tiêu chảy cấp… Trong trường hợp này người bệnh cần được bổ sung đầy đủ chất lỏng và chất điện giải. Việc bổ sung chất lỏng thông qua ăn uống như tăng cường uống nhiều nước, ăn nhiều canh…, bổ sung chất điện giải bằng uống oresol (cần pha đúng nồng độ của thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì sản phẩm). Ngoài ra, có thể dùng thuốc fludrocortisone (có tác dụng giảm bài tiết natri, tăng nhịp tim và co bóp tim nên làm tăng huyết áp). Đây là loại thuốc cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Khi được kê đơn người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ về liều lượng, cách dùng thuốc. Không được tự ý dùng quá liều chỉ định, vì sẽ gây nhiều bất lợi như tăng huyết áp, phù, giảm kali huyết, tăng cân quá mức, tim to… Nếu xảy ra các hiện tượng trên nên ngừng thuốc, các triệu chứng thường hết sau một vài ngày. Ngoài ra, thuốc có thể gây nhão cơ do mất nhiều kali, vì thế nên bổ sung kali khi dùng thuốc này và kiểm tra thường xuyên huyết áp, điện giải, có thể ngăn chặn sự quá liều…
Hạ huyết áp do mất máu hoặc thiếu máu
Nếu bạn bị chứng huyết áp thấp do mất máu hay thiếu máu cần truyền máu hoặc dùng thuốc để làm tăng sản xuất hemoglobin. Nếu có chảy máu liên tục và nghiêm trọng cần điều trị cấp cứu ngay lập tức. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn dùng chế phẩm erythropoietin, là một hormon kích thích sự trưởng thành của hồng cầu trong tủy xương. Đây là thuốc được sử dụng trong cơ sở y tế và thực hiện bởi nhân viên y tế (vì thuốc dùng theo đường tiêm). Người dùng có thể gặp các triệu chứng như nhức đầu, phù, ớn lạnh và đau xương (triệu chứng giống cảm cúm) chủ yếu ở vào mũi tiêm tĩnh mạch đầu tiên; tăng huyết áp, huyết khối nơi tiêm tĩnh mạch; chuột rút; kích ứng tại chỗ, trứng cá, đau ở chỗ tiêm dưới da…. Cần báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý kịp thời.
Hạ huyết áp tư thế
Hạ huyết áp tư thế là một thể của huyết áp thấp, xảy ra khi bạn đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm, thường có các biểu hiện như chóng mặt hoặc choáng váng, thậm chí có thể mờ mắt… Hạ huyết áp tư thế thường kéo dài vài giây đến vài phút sau khi đứng. Nếu hạ huyết áp tư thế đứng nhẹ, có thể không cần điều trị. Cần điều trị ở những trường hợp nặng gây ra các vấn đề bất lợi cho sức khỏe.
Có nhiều nguyên nhân gây hạ huyết áp thế đứng như mất nước, có bệnh ở tim, tiểu đường, rối loạn hệ thống thần kinh… Tuổi, dùng thuốc, nhiệt độ, bệnh mắc kèm… là những yếu tố nguy cơ gây hạ huyết áp tư thế. Vì vậy, việc điều trị hạ huyết áp tư thế cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây huyết áp thấp như uống nhiều nước, tăng muối trong chế độ ăn, đứng lên từ từ… và có thể dùng một số thuốc điều trị sau: Fludrocortisone, midodrine, pyridostigmine, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), caffeine, epoetin… các thuốc này có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với nhau theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý, các thuốc điều trị chứng huyết áp thấp cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch và được theo dõi chặt chẽ trong quá trình sử dụng để tránh các biến cố có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng hoặc tăng giảm liều một cách tùy tiện gây nguy hiểm tới sức khoẻ.
Theo http://suckhoedoisong.vn