Hội chứng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp (SIADH- Syndrome of inappropriate antidiuretic hormone) là nguyên nhân thường gặp nhất gây hạ natri máu, do tiết không thích hợp ADH từ thùy sau tuyến yên hoặc từ ngoài tuyến yên.
I.ĐẠI CƯƠNG
Phân loại:
-Hạ natri máu nhẹ: Na huyết tương < 135 mmol/L; gặp ở 15-20% người bệnh SIADH, và khoảng 7% người bệnh điều trị ngoại trú.
-Hạ natri máu trung bình: Na huyết tương < 130mmol/L; gặp khoảng 1-7% người bệnh nằm điều trị nội trú trong bệnh viện.
Tuy nhiên, gần đây người ta đã xác định được một đột biến trong receptor của vasopressin là nguyên nhân gây nên một hội chứng, trong đó có đầy đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán SIADH, nhưng nồng độ ADH thấp hoặc không xác định được. Vì vậy, một số tác giả gọi đây là “Hội chứng bài niệu không thích hợp” (Syndrome of inappropriate antidiuresis- SIAD). Tuy nhiên, thể bệnh này ít gặp nên hiện tại vẫn sử dụng cụm từ SIADH trên lâm sàng.
ADH (hoặc arginin vasopressin-AVP) là thành phần chủ yếu tham gia vào cơ chế cân bằng nội mô điều hòa sự cân bằng nước trong cơ thể. ADH được tiết từ thùy sau tuyến yên khi tăng độ thẩm thấu (osmolality) huyết tương và giảm thể tích trong lòng mạch. Ở thận, ADH tác động thông qua vasopressin V2 receptor làm tăng tính thấm nước ở ống lượn xa và ống góp, tăng tái hấp thu nước ở những vị trí này. Cùng với tăng tiết ADH, hạ natri máu hòa loãng (dilutional hyponatremia) do nước không thể bài xuất ra ngoài như bình thường.
SIADH có thể xẩy ra khi ADH được tiết ra từ ngoài tuyến yên ở các tổ chức ác tính hoặc tổ chức bị viêm.
Triệu chứng chính của SIADH là tăng một cách không thích hợp độ thẩm thấu nước tiểu, trong khi độ thẩm thấu huyết tương thấp, đặc trưng hơn là giảm natri máu nhược trương, nước tiểu cô đặc tương đối, nhưng thể tích máu bình thường (euvolemia), chức năng thận, tuyến giáp, và thượng thận đều bình thường.
II.NGUYÊN NHÂN
1.Tại hệ thần kinh trung ương
Giải phóng ADH quá nhiều), đái ra porphyril cấp từng lúc, chảy máu (hematoma/hemorrhage), tai biến mạch máu não, chứng mê sảng do nghiện rượu, hội chứng Guilain-Barre, chấn thương đầu, não úng thủy (hydrocephalus), nhiễm khuẩn (viêm màng não, viêm não, áp xe), khối u.
2.Do thuốc
Bromocriptin mesylat (bromocriptin), Carbamazepin (Tegretol), Chlopropamid, Clofibrat, Cyclophosphamid, Desmopressin (DDAVP), Ecstasy, Haloperidol (Haldol), Nicotin, Opiat, Oxytocin, Phenotiazin, Selective serotonin reuptake inhobitors (SSRIs), Tricyclicantidepressants, Vinblastin, Vincristin.
3.Các nguyên nhân khác
HIV, nôn, những rối loạn thần kinh-tâm thần (tăng khát, tăng nhạy cảm của thận đối với ADH), đau, tình trạng sau phẫu thuật (truyền một lượng nước quá nhiều).
4.Ung thư (Tiết ADH ngoài tuyến yên)
Carcinoma hành tá tràng, u lympho bào, u trung biểu mô (mesothelioma), u nguyên bào thần kinh khứu giác (olfactory neuroblastoma), carcinoma tuyến tiền liệt, carcinoma tế bào nhỏ phổi, u tuyến ức, các bệnh phổi, dãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ nang (cystic fibrosis), viêm phổi, PCP (Pneumocystic carrinii pneumonia), lao, nấm (aspergillosis), thông khí áp lực dương (positive pressure ventilation).
III.CHẨN ĐOÁN
1.Lâm sàng
Cũng như các nguyên nhân khác gây hạ natri máu, triệu chứng của SIADH phụ thuộc vào mức độ hạ natri máu và sự phát triển nhanh của bệnh. Hiếm khi gặp hội chứng khi nồng độ natri huyết tương ≥ 125 mEq/L, nhưng khi hạ natri máu cấp (< 48 giờ), người bệnh có thể có triệu chứng: khó ở, nôn.
Khi natri huyết tương < 125 mEq/L, người bệnh có thể có các triệu chứng thần kinh tâm thần từ mệt mỏi, yếu cơ, đau đầu, ngủ lịm (lethargy), mất điều hòa (ataxia) và bệnh tâm thần, đến phù não, tăng áp lực nội sọ, chóng mặt, hôn mê.
SIADH được chẩn đoán bằng cách loại trừ, vì vậy các nguyên nhân khác gây hạ natri máu cần được loại bỏ.
2.Cận lâm sàng
-Độ thẩm thấu (osmolality) huyết tương thấp (< 275 mOsm/kg nước là có SIADH.
-Độ thẩm thấu nước tiểu và nồng độ natri nước tiểu tăng không thích hợp: Độ thẩm thấu nước tiểu > 100 mOsm/kg nước, nồng độ natri nước tiểu > 20 đến 40 mEq/L (thường xuyên gặp trong SIADH).
-Thể tích huyết tương bình thường, chức năng thận, thượng thận, tuyến giáp bình thường.
-Không dùng các thuốc lợi tiểu trong thời gian gần đây.
3.Tiêu chuẩn chẩn đoán bổ sung
-Nghiệm pháp tải nước không bình thường: Cho uống nước 20 mL/kg trọng lượng cơ thể trong 10-20 phút, sau 4 giờ không thải được 80% lượng nước đưa vào
và/hoặc không hòa loãng độ thẩm thấu nước tiểu đến 100 mOsm/kg nước. Nghiệm pháp này sẽ được thực hiện sau khi nồng độ natri huyết tương > 125 mEq/L bằng cách hạn chế nước và / hoặc cho muối.
-Nồng độ ADH huyết tương tăng không thích hợp liên quan với độ thẩm thấu huyết tương.
IV.CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
Không giống như tăng natri máu thường xuyên ưu trương, hạ natri máu có thể nhược trương, đẳng trương hoặc ưu trương.
1.Hạ natri máu ưu trương (hypertonic or translocational hyponatremia)
Xẩy ra khi các dung dịch có áp lực thẩm thấu (như glucose hoặc mannitol) kéo nước từ trong tế bào ra ngoài. Cứ tăng mỗi 100mg/dL (5,6 mmol/L) glucose huyết tương, thì nồng độ natri huyết tương giảm 1,6-2,4mmol/L.
2.Hạ natri máu đẳng trương
Là do tích một thể tích lớn dịch đẳng trương ở khoang ngoài tế bào (như dung dịch mannitol đẳng trương) không chứa natri.
Cả hạ natri máu ưu trương và đẳng trương thường dễ xác định dựa vào lịch sử bệnh, các thăm dò hóa sinh hoặc cả hai.
3.Thể giả hạ Na máu (Pseudohyponatremia)
Là thể hạ natri máu đẳng trương, nguyên nhân là do định lượng sai natri máu khi có tăng triglycerid và paraprotein máu, trên thực tế, sai sót chỉ xẩy ra khi sử dụng những kỹ thuật đo không đặc hiệu, chỉ cần tham khảo ý kiến các nhà hóa sinh có kinh nghiệm là có thể loại trừ được.
Chẩn đoán phân biệt SIADH là chẩn đoán với những nguyên nhân làm hạ natri máu nhược trương. Hạ natri máu nhược trương thường do nước đưa vào quá nhiều và/ hoặc do rối loạn bài tiết nước tiểu của thận, có thể xếp loại theo tình trạng thể tích máu như sau:
4.Hạ natri máu nhược trương tăng thể tích (Hypervolemic hypotonic hyponatremia)
Đặc trưng bởi ứ natri máu và tăng nước trong toàn cơ thể. Nguyên nhân thường gặp là suy tim ứ trệ, xơ gan, hội chứng thận hư, suy thận cấp và mạn tính, có thai. Tất cả những tình trạng trên đây đều có thể xác định được trên lâm sàng.
5.Hạ natri máu nhược trương giảm thể tích (Hypovolemic hypotonic hyponatremia) Đặc trưng bởi hạ natri máu và mất nước toàn thân. Nguyên nhân thường gặp là:
dùng lợi tiểu (thuốc hoặc thẩm thấu), bệnh thận mất muối, suy thượng thận cấp, mất điện giải qua đường tiêu hóa, ra mồ hôi quá nhiều, mất máu, một số bệnh lý khác như viêm tụy cấp hoặc bỏng nặng.
Một số người bệnh bị bệnh hoặc tổn thương thần kinh, mất muối não (cerebral salt wasting) là nguyên nhân khác của giảm natri máu nhược trương giảm thể tích, thường bị nhầm với SIADH khi tình trạng thể tích khó xác định. Những người bệnh bị mất muối não có thể không giảm thể tích máu trên lâm sàng, nhưng có thể phát hiện tình trạng giảm thể tích khi theo dõi thật cẩn thận (như theo dõi chính xác lượng nước vào và lượng nước ra). Cơ chế bệnh sinh của thể bệnh này chưa được hiểu đầy đủ, người ta cho rằng do giảm xung thần kinh đến thận hoặc tăng giải phóng yếu tố đào thải natri lưu hành trong máu (như atrial natriuretic peptide hoặc brain natriuretic peptide) làm mất natri và giảm thể tích máu.
6.Hạ natri máu nhược trương thể tích bình thường (Euvolemic hypotonic hyponatremia)
Đặc trưng bởi nồng độ natri toàn thân thấp hoặc bình thường, nước toàn thân bình thường hoặc tăng, nguyên nhân thường gặp nhất là SIADH, nhưng cũng có thể do suy chức năng tuyến giáp, suy thượng thận, uống nhiều tiên phát (primary polydipsia), potomania, dùng lợi tiểu thiazide, tập luyện quá nhiều, reset osmostat, hoặc hội chứng thận của SIADH.
Chi tiết về những nguyên nhân này như sau:
7.Suy chức năng tuyến giáp
Ít gặp, cơ chế sinh bệnh của hạ natri huyết do suy tuyến giáp cho tới nay chưa rõ, người ta cho rằng do rối loạn điều hòa giải phóng hoặc thanh thải ADH, hoặc cả hai, hoặc do tác động trên trương lực mạch máu, cung lượng tim và dòng máu qua thận.
8.Suy chức năng tuyến thượng thận
Cũng là nguyên nhân gây hạ natri máu, nhưng không thường xuyên. ADH là hormon kích thích tiết ACTH và tùy thuộc vào cơ chế ngược âm tính của glucocorticoids. Hạ natri máu có thể xẩy ra trong cả hai tình trạng suy thượng thận tiên và thứ phát, có thể do mất cơ chế ngược âm tính đối với tiết ADH, ngoài ra, do mất tác dụng của hormon chuyển hóa khoáng (mineralocorticoid) trong suy thượng thận tiên phát (nhưng không phải suy thượng thận thứ phát).
9.Uống nhiều tiên phát (primary polydipsia)
Có thể gây nên hạ natri máu nếu như lượng nước đưa vào vượt quá khả năng bài tiết của thận. Bình thường uống nước nhiều một lúc không làm hạ natri máu, vì người bình thường có khả năng bài tiết trên 20 lít nước tiểu trong ngày. Hạ natri máu chỉ xẩy ra ở một số ít người bệnh bị uống nhiều tiên phát, nhưng cơ chế của hiện tượng này cũng chưa rõ. Những người bệnh này hình như có rối loạn điều hòa thẩm thấu thanh lọc nước tự do, rối loạn này phụ thuộc không rõ với tiết và tác động của ADH khi đã bị biến đổi.
10.Potomania
Gặp ở những người uống quá nhiều bia, hiện nay thường gặp hơn ở những người có thói quen ăn uống bất thường hoặc rối loạn ăn (chứng biếng ăn do thần kinh).
Những người bệnh này thường có hạ natri máu nhược trương vì nước tiểu hòa loãng do dịch vào và ra thấp. Thanh thải nước tự do phụ thuộc vào bài tiết nước tiểu tại thận, và bài tiết nước tiểu phụ thuộc vào dịch đưa vào. Vì vậy, nếu như dịch đưa vào giảm do ăn kiêng, bài tiết nước tiểu cũng sẽ bị giảm, và thận sẽ mất khả năng đào thải nước. Khi khả năng bài tiết nước tiểu của thận giảm, chỉ có khoảng 2-3 lít nước tiểu được bài tiết trong ngày, như vậy, nếu lượng nước đưa vào vượt quá 2-3 lít /ngày, số nước dư sẽ bị tích lại trong cơ thể và tham gia vào hạ natri máu.
11.Thuốc lợi tiểu Thiazid
Nguyên nhân đặc hiệu nhất gây hạ natri máu kết hợp với giảm thể tích, nhưng người bệnh có thể có thể tích bình thường nếu như đưa vào một lượng nước từ ngoài để bù trừ cho tình trạng giảm thể tích và khát.
12.Giảm natri máu do tập luyện
Hiện nay được xác định là một thể của SIADH, thường xẩy ra ở những vận động viên chạy marathon. Những người này có thể có triệu chứng thần kinh nặng, phù não và có thể tử vong, rối loạn này là do nước đưa vào quá nhiều trong tình trạng giảm thể tích và mất nhiều nước do mất nhiều mồ hôi trong thời gian dài. Những người bệnh này có tất cả các tiêu chuẩn để chẩn đoán SIADH, có nồng độ ADH tăng không thích hợp trong khi hạ natri máu nghiêm trọng.
13.Hội chứng thẩm thấu do sắp đặt lại (Reset osmostat syndrome)
Là một hình thái khác của SIADH, trong đó có sự dịch chuyển điểm cắt (set- point) giải phóng ADH để làm thấp hơn độ thấm thấu, vì vậy, người bệnh có thể có nước tiểu cô đặc không thích hợp trong khi natri máu hạ nhược trương, nhưng có khả năng nước tiểu sẽ được hòa loãng bình thường đáp ứng khi nước đưa vào nhiều, và cô đặc nước tiểu khi mất nước.
14.Hội chứng thận do chống bài tiết nước tiểu không thích hợp (Nephrogenic syndrome of inappropriate antidiuresis)
Là một hội chứng di truyền mới được mô tả, trong đó có tất cả các tiêu chuẩn chẩn đoán SIADH, nhưng nồng độ ADH không xác định được. Những đột biến ở vasopressin V2 receptor được xác định như là nguyên nhân đầu tiên của hội chứng này ở hai trẻ nam hạ natri máu triệu chứng. Về sau, nhiều cá thể khác cũng đã được phát hiện những đột biến tương tự như vậy, trong đó có gia đình bộc lộ các phenotyp khác nhau của hội chứng này ở cả nam và nữ.
V.ĐIỀU TRỊ
SIADH là hội chứng tự hạn chế, chiến lược điều trị đầu tiên là điều chỉnh theo cơ chế bệnh sinh của bệnh cơ bản. Tuy nhiên, kế hoạch điều trị tức thì dựa trên mức độ nặng của hạ natri máu và các hội chứng đi cùng
1.Hạ natri máu triệu chứng (symptomatic hyponatremia)
-Nguyên tắc:
+Hạ natri máu có triệu chứng cấp là một cấp cứu nội khoa, điều trị trước hết tùy thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng, sau đó là tùy theo nồng độ natri máu.
+Các triệu chứng thần kinh nặng (như mất tri giác, co giật, hôn mê) phải được điều trị nhanh chóng bằng dung dịch muối ưu trương (3%) cho tới khi hết các triệu chứng trên.
+Tuy nhiên, điều chỉnh nồng độ natri huyết tương quá nhanh (trên 12mmol/L trong 24 giờ), có thể làm tiêu myelin do thẩm thấu (osmotic demyelination). Tiêu myelin ở cầu não trung ương và ngoài cầu não gây tổn thương nặng về thần kinh: lúc đầu là ngủ gà (lethargy); sau đó câm, loạn cận ngôn (dysarthria), liệt cơ tứ đầu, liệt giả hành. Vì vậy, điều chỉnh tình trạng hạ natri máu luôn phải tiến hành thận trọng.
Nếu tốc độ hạ natri máu nhanh (< 48 giờ), tốc độ điều chỉnh nhanh phải thích hợp để bảo đảm an toàn.
Với hạ natri máu kéo dài, mục tiêu đầu tiên là điều trị các triệu chứng, việc điều chỉnh nồng độ natri máu sẽ được tiến hành thận trọng hơn. Cụ thể, với trường hợp hạ natri máu cấp tính hoặc mạn tính không xác định được, tốc độ điều chỉnh được giới hạn từ 1 đến 2 mEq /L/giờ trong 3 đến 4 giờ đầu tiên, và không quá 0,5 mEq /L/giờ. Điều chỉnh tối đa 8 đến 10 mEq /L trong 24 giờ. Các triệu chứng thường sẽ mất đi khi natri máu thay đổi với dung dịch < 5% hoặc từ 3 đến 7mEq /L.
-Cách tính tỷ lệ dung dịch natri ưu trương. Hai cách đơn giản nhất như sau:
+Cách thứ 1:
Na huyết tương ([Na+] plasma) cần tăng, bằng đơn vị mEq/L cho một lít dịch truyền (gần đúng) theo phương trình sau đây:
[Na+]plasma cần tăng = ([Na+] dịch truyền + [K+] dịch truyền – [Na+]huyết tương)÷ (Nước toàn thân + 1).
Trong đó:
- [ Na +] dịch truyền = mEq /L Na trong dịch truyền (ví dụ: 513mEq /L của dung dịch Na 3%).
- [ K+] dịch truyền = mEq /L K+ trong dịch truyền
- Nước toàn thân = cân nặng cơ thể (Kg) X (0,6 đối với nam và 0,5 đối với nữ). Ví dụ:
Nếu một người đàn ông nặng 70kg đang có những cơn co giật, nồng độ natri huyết tương là 110mEq/L;
Nồng độ natri cần tăng được tính trong một lít dung dịch Na 3% sẽ là: (513 + 0 ─ 110) ÷ (0,6 X 70 + 1) = 9,4 mEq/L.
Như vậy, để tăng nồng độ natri ở tốc độ ban đầu là 2 mEq/L giờ, dung dịch NaCl 3% sẽ truyền với tốc độ 213 mL/giờ (2mEq/L/giờ ÷ 9,4 mEq/L X 1000mL).
+Cách thứ hai:
Đôi khi, dung dịch Na 3% có thể được khuyến cáo với tốc độ 1-2 mL/kg cân nặng cơ thể trong một giờ để làm tăng nồng độ Na từ 1 đến 2 mEq /L/giờ.
Những người bệnh hôn mê hoặc có cơn co giật, tốc độ ban đầu có thể gấp đôi.
Những người bệnh nhẹ, cho với một nửa tốc độ đó.
Ví dụ, người bệnh có cân nặng cũng 70kg, nồng độ natri máu 110 mEq/L, có triệu chứng co giật, tốc độ khởi đầu dung dịch NaCl 3% sẽ là 210 đến 280 mL/giờ (3 đến 4 mL /kg /giờ X 70kg) .
Cần nhấn mạnh rằng: Nếu tình trạng mất nước đang tiến triển, hoặc nếu lợi tiểu quai được chỉ định để làm tăng bài tiết nước tự do và để đề phòng quá tải thể tích, tốc độ truyền sẽ được giảm. Với bất kỳ cách tính nào, natri máu, và tình trạng thể tích cần phải được đánh giá thường xuyên (bắt đầu cứ 2 giờ một lần, và giảm xuống 4 giờ một lần khi tốc độ điều chỉnh đã ổn định) để theo dõi và tiến hành điều chỉnh điều trị.
Đối với các triệu chứng nhẹ đến trung bình, dung dịch Na 3% có thể được sử dụng một cách cẩn thận để làm tăng nồng độ natri máu và giảm các triệu chứng. Đôi khi, dung dịch Na bình thường cùng với lợi tiểu quai có thể được chỉ định để thay thế dung dịch natri 3%, hoặc vasopressin receptor antagonist cũng có thể cân nhắc chỉ định, nhưng phải chú ý, chỉ định một mình dung dịch natri bình thường có thể sẽ làm xấu đi tình trạng hạ natri máu nếu như thận không có khả năng hòa loãng nước tiểu đến độ thẩm thấu thấp hơn dung dịch natri bình thường (~ 300 mOsm/L). Dẫu là cách tính nào, tốc độ điều chỉnh ban đầu sẽ không vượt quá 2 mEq/L/giờ và sẽ giảm nhanh tới không quá 0,5 mEq/L/giờ (đạt tối đa 8 đến 10 mEq/L/ngày). Nồng độ natri huyết tương và tình trạng thể tích cần phải đánh gia thường xuyên để theo dõi và điều chỉnh.
-Thuốc: Các chất đối kháng receptor của vasopressin có nhiều hứa hẹn trong điều trị SIADH.
Conivaptan (Vaprisol) là thuốc đầu tiên trong nhóm thuốc mới này, được sử dụng ở Mỹ năm 2005, tiêm tĩnh mạch điều trị hạ natri máu thể tích máu bình thường (kể cả SIADH), và năm 2007 điều trị hạ natri máu tăng thể tích (hypervolemic hyponatremia).
Conivaptan là chất đối kháng không chọn lọc receptor của vasspressin (V1a và V2) chuyển hóa theo đường CYP3A4.
Thuốc chống chỉ định khi hạ natri giảm thể tích (hypovolemic), hay cho cùng với những chất ức chế mạnh CYP3A4 như ketoconazol, itraconazol, clarithromycin, ritonavir và indinavir.
Liều 20mg truyền tĩnh mạch trên 30 phút, sau đó truyền liên tục 20 mg/ngày từ 1 đến 3 ngày (tối đa 4 ngày). Liều có thể tăng tới 40mg /ngày nếu nồng độ natri không tăng ở mức độ mong đợi.
Phản ứng tại chỗ tiêm thường nhẹ, nhưng thường xẩy ra ở 50% người bệnh, vì vậy nên luân chuyển vị trí tiêm trong ngày. Hạ huyết áp động mạch cần quan tâm vì tác dụng đối kháng receptor V1a của thuốc, nhưng đây không phải là tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhìn chung thuốc dung nạp tốt.
2.Hạ natri máu không triệu chứng (asymptomatic hyponatremia)
-Hạ natri máu có thể không có triệu chứng nếu mức độ hạ natri máu nhẹ, hoặc nếu bệnh tiến triển từ từ theo thời gian, các triệu chứng nặng về thần kinh thường ít xẩy ra khi tình trạng hạ natri máu tiến triển từ từ, mạn tính, nhưng nguy cơ xẩy ra tiêu myelin do thẩm thấu (khi điều chỉnh hạ natri máu) có thể nhiều hơn, vì vậy kế hoạch điều trị là để làm tăng dần dần natri máu.
-Điều cơ bản nhất trong điều trị hạ natri máu không triệu chứng do SIADH là hạn chế nước, để cho bài tiết nước tự do trong nước tiểu vượt quá nước đưa vào trong chế độ ăn. Chỉ định thích hợp đối với hạn chế nước có thể được xác định bằng định lượng natri máu và một mẫu nước tiểu lấy ngay (tức thì) để định lượng Na+ và K+, xác định tỷ số điện giải giữa nước tiểu và huyết tương máu.
U/P ratio = ([Na+]nước tiểu + [K+]nước tiểu) ÷ [ Na+]huyết tương Trong đó:
- [Na+] nước tiểu = mEq /L Na trong nước tiểu
- [K+] nước tiểu = mEq/L K trong nước tiểu
- [ Na+]huyết tương = mEq/L Na trong huyết tương
Nếu như: tỷ lệ U/P ≥ 1,0 Hạn chế nước tối đa
0,5 – 1,0 Hạn chế nước ≤ 500mL/ngày
≤ 0,5 Hạn chế nước ≤ 1000mL/ngày
Nếu hạ natri máu nặng hơn (dưới 110mEq/L), người bệnh tăng nguy cơ xẩy ra những triệu chứng nặng, vì vậy, ngay cả khi không có triệu chứng cũng phải điều chỉnh hạ natri máu với tốc độ tối đa 0,5 mEq/L/giờ, và không vượt quá 8 đến 10 mEq/L trong 24 giờ. Dung dịch NaCl ưu trương (hypertonic saline) hoặc chất đối kháng receptor vasopressin cũng có thể áp dụng để đạt được mục tiêu, nhưng phải ngừng sớm khi nồng độ natri máu đạt xấp xỉ 120- 125 mEq/L, sau đó bắt đầu điều trị bảo tồn.
-Cần cung cấp đầy đủ muối và protein trong khẩu phần ăn, vì thận thanh thải tối đa nước tự do phụ thuộc vào dịch vào và đào thải ra. Cho người bệnh uống ure 30 gram
/ngày đã được chứng minh có hiệu quả, nhưng người bệnh kém dung nạp nên không được áp dụng rộng rãi.
-Có thể bổ sung lợi tiểu quai để làm tăng bài xuất nước tự do.
-Nếu người bệnh bị SIADH, tự bản thân không thể, hoặc không tuân thủ chế độ hạn chế nước có thể cho Demeclocycline (Declomycin). Declomycin ức chế tác dụng của ADH trên thận, có thể cải thiện nồng độ natri huyết tương mà không phải hạn chế nước, liều khởi đầu 600mg/ngày, chia uống 2-3 lần, uống sau ăn 1-2 giờ. Thuốc bắt đầu tác dụng sau khi uống từ 3 đến 6 ngày. Tác dụng phụ chủ yếu là nhiễm độc thận, vì vậy chức năng thận phải được theo dõi chặt.
-Các thuốc đối kháng receptor vasopressin đặc hiệu với receptor V2 (tolvaptan, lixivaptan) là thuốc mới có triển vọng điều trị lâu dài cho những người bệnh SIADH khó điều trị, nhưng chưa áp dụng phổ biến trên lâm sàng.
VI.TIÊN LƯỢNG
Tiên lượng phụ thuộc vào nguyên nhân chính, cũng như mức độ nặng hạ natri máu và những triệu chứng đi kèm. Hạ natri máu nặng hoặc hạ natri máu triệu chứng có tỷ lệ bệnh và tỷ lệ tử vong cao hơn hạ natri máu nhẹ hoặc không triệu chứng, mạn tính. SIADH thường khỏi khi điều trị dứt điểm nguyên nhân chính gây nên hội chứng này.
Theo Bộ Y tế