Số trẻ em bị béo phì trên thế giới đã tăng hơn 10 lần trong bốn thập kỷ qua, Reuters dẫn kết quả nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Hoàng gia Anh phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều này có nghĩa năm 2016 có 8% trẻ trai và gần 6% trẻ gái toàn cầu bị béo phì, trong khi đó năm 1975 tỷ lệ này không vượt quá 1%. Bên cạnh đó, 213 triệu trẻ em 5-19 tuổi ở tình trạng thừa cân.
Bà Majid Ezzati từ Trường Y tế Công cộng Hoàng gia Anh đứng đầu công trình, cho biết sự gia tăng về số lượng trẻ béo phì đặc biệt nghiêm trọng ở các nước châu Á kém phát triển. Tại khu vực Tây Bắc Âu cùng những quốc gia giàu có như Mỹ, số trẻ béo phì giảm nhưng vẫn ở mức “cao không chấp nhận được”.
Nam Mỹ, Ai Cập và Mexico vốn có tỷ lệ béo phì rất thấp giờ đây cũng đối mặt với tình trạng 20-25% trẻ gái béo phì. “Những gì đã xảy ra ở Đông Á, châu Mỹ Latin và vùng Caribbean cho thấy sự chuyển đổi từ thiếu cân sang thừa cân và béo phì rất nhanh chóng”, bà Ezzati cảnh báo.
Nếu xu hướng này tiếp tục, năm 2022, số trẻ béo phì sẽ nhiều hơn trẻ thiếu cân. Hiện khoảng 192 triệu trẻ em thế giới không đạt cân nặng tiêu chuẩn, trong đó một nửa tập trung ở Ấn Độ.
Nhằm bảo vệ một thế hệ khỏi nguy cơ tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư do thừa cân, các nhà khoa học kêu gọi mọi gia đình, trường học cung cấp chế độ dinh dưỡng tốt hơn đồng thời tăng cường các bài tập thể chất. Các nhà sản xuất thực phẩm cũng cần ghi rõ thành phần trên bao bì, từ đó giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn lành mạnh.
Ngoài ra, WHO khuyến nghị chính phủ các nước xem xét đánh thuế cao những loại thực phẩm gây hại. Trước đây, cơ quan này từng đề xuất tăng thuế đồ uống có đường lên 20% để giảm lượng tiêu thụ.
Theo vnexpress.net