VÌ SAO KHÔNG TIÊM VACCINE NGỪA COVID-19 CHO PHỤ NỮ CÓ THAI
DƯỚI 13 TUẦN LỄ , VÀ TRẺ EM DƯỚI 12 TUỔI?
TS. Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM
I. LỜI MỞ
Hiện nay, vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi đang còn được các hãng dược phẩm tích cực nghiên cứu. Hầu hết các vaccine hiện có được chỉ định cho thanh niên và người trưởng thành .
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định mới, trong đó phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng cần ưu tiêm vaccine phòng COVID-19 như những người cao tuổi, có bệnh mãn tính kèm.
Hai câu hỏi lớn về vaccine ngừa COVID-19 được đặt ra: Vì sao có hai hạn chế, chống chỉ định, này ?
II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THAI NHI
Thời gian mang thai của con người là 280 ngày (9 tháng 10 ngày). Trong thời gian này, thai nhi phát triển và thay đổi qua 3 giai đoạn cơ bản là thụ thai, phôi và thai.
1* LÀM TỔ (nidation, implantation)
Hợp tử, trứng, kết quả sự thụ tinh giữa noãn với tinh trùng, sẽ bám vào nội mạc tử cung, khoảng 1 đến 2 tuần lễ, trung bình 10 ngày sau khi rụng trứng. Trứng sẽ “làm tổ” ở lớp trong của tử cung, để hấp thu các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển dần dần.
2* PHÔI (embryo)
Kéo dài từ tuần lễ thứ 2 đến thứ 12. Ở thời điểm này, hệ thống nuôi dưỡng phôi thai được hình thành các mao mạch cung cấp máu, chất dinh dưỡng, năng lượng giúp quá trình phân chia và biệt hóa tế bào xảy ra ngày càng nhanh. Bắt đầu là xương sống và hệ thần kinh nguyên thủy, đến tuần thứ 8 tim thai nhi hình thành và hoạt động, hệ thần kinh, não bộ phát triển nhanh chóng, cơ quan nội tạng phát triển không ngừng. Vào tuần thứ 9, quả tim thai nhi hình thành 4 ngăn hoàn chỉnh, đập khoảng 180 lần/phút. Đến tuần thứ 10-11 thai nhi thực sự có hình dáng một con người.
3* THAI (fetus)
Bắt đầu từ tuần thứ 12 cho đến khi sinh. Đây là giai đoạn thai nhi đã đầy đủ cơ quan bộ phận chỉ cần lớn lên về kích thước và hoàn chỉnh về cơ năng.
Từ 33 – 36 tuần tuổi, thai nhi có thể cao 47cm và nặng gần 2,7 kg, có hình dáng hoàn chỉnh, đầu phát triển cân đối với thân hình. Mắt của bé có thể khép mở liên tục, rất nhạy cảm với ánh sáng bên ngoài thành bụng mẹ.
III. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM
1* CHIỀU CAO, CÂN NẶNG
Trẻ em Việt Nam, tuổi sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh có cân nặng trung bình vào khoảng 3.000g và chiều cao trung bình khoảng 50cm. Nếu được bú mẹ, ăn dặm và nuôi dưỡng đầy đủ chiều cao và cân nặng của đứa trẻ tăng dần, cho đến khi trưởng thành lúc các đĩa sụn tiếp hợp ở các xương dài “hóa cốt” sẽ không còn tăng trưởng nữa..
Trong năm đầu chiều cao, cân nặng đưa trẻ phát triển qua hai giai đoạn rõ rệt: nửa năm đầu trung bình trọng lượng tăng 700 gam và chiều cao tăng 2,5 cm mỗi tháng; nửa năm sau là 500 gam và 2 cm. Như vậy, lúc “thôi nôi” tròn một tuổi trung bình trẻ nặng gấp ba lần lúc sinh (từ 9-10kg) và chiều cao tăng lên gấp rưỡi lúc sinh (khoảng 75cm).
Từ năm 2 đến 5 tuổi, đứa trẻ tăng trưởng chậm hơn, trọng lượng chỉ còn tăng trung bình từ 2-3kg/năm và chiều cao tăng trung bình từ 5-7cm/ năm.
2* TINH THẦN, VẬN ĐỘNG
Cùng với sự gia tăng chiều cao, trọng lượng, đứa trẻ cũng phát triển hoàn thiện dần tinh thần vận động, với các mốc sau: Sơ sinh ngủ nhiều; có ngũ quan (nghe tiếng, ngửi mùi, thích ngọt, chê đắng, nhìn theo đèn sáng di động, biết đau khi tiêm, véo); có một cử động tự phát, không ý thức; những phản xạ tự nhiên (bú, nuốt, nắm, chộp); 3-4 tháng tuổi ít ngủ dần, biết chơi, hóng chuyên, mỉm cười, dẫy dụa. Biết ngóc đầu, nắm đồ vật cho vào mồm, lẫy ngửa sang nghiêng; 5-6 tháng tuổi biết đưa tay nhận đồ chơi, ngồi có người đỡ, phát được vài âm; 7- 9 tháng tuổi biết vui mừng, sợ hãi, bò, đứng vịn, phát âm rõ từng từ, trong số vài từ: bà, mẹ, đi, cơm..; 12 tháng tuổi hiểu được câu đơn giản, đòi đồ chơi ưa thích, đứng, đi chập chững, phát âm rõ rệt hơn; 18 tháng tuổi chủ động đòi đi đại, tiểu tiện, biết xếp đồ chơi, biết cầm bát xúc cơm ăn bằng thìa, biết nói các câu ngắn; 2 tuổi tự mặc quần áo, rửa mặt, tự lên xuống cầu thang, nhảy một chân, nói câu dài, bài hát ngắn, 3 tuổi học thuộc bài hát ngắn, đặt câu hỏi, chơi tập thể, leo trèo, múa hát; 5 tuổi tìm hiểu xung quanh, chơi một mình, hát bài dài, thuộc thơ, biết học chữ, học vẽ, viết được.
IV. PHÔI KHÁC THAI!
1* BI KỊCH THALIDOMIDE
Năm 1957, biệt dược Thalidomide, do hãng Gruenenthal bào chế, chính thức lưu hành trên thị trường nước Đức. Thuốc có tác dụng giảm đau, an thần… đặc biệt còn được ca tụng là “thần dược” trong điều trị các triệu chứng nôn mửa do “ốm nghén” (morning sickness) của thai phụ trong ba tháng đầu. Đến năm 1962, thalidomide đã được sử dụng ở gần 50 quốc gia trên toàn thế giới. Ở Mỹ, dù chưa được Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm FDA phê chuẩn cũng có đến 20.000 thai phụ ngừoi Mỹ đã sử dụng thuốc này.
Năm 1958, trước tỷ lệ trẻ sơ sinh dị tật tăng đột biến, Cơ quan Quản lý Y dược CHDC Đức nghi ngờ thalidomide là thủ phạm gây nên, nhưng một số bác sĩ nhi khoa lại cho là do hậu quả phóng xạ hạt nhân trong chiến tranh. Mãi đến năm 1961, bác sĩ sản khoa William McBride và bác sĩ nhi khoa Widukind Lenz, Australia, chứng minh được mối liên hệ giữa thalidomide với các khuyết tật ở trẻ sơ sinh, và sau hai phiên tòa, năm 1970 và 1972, công ty Gruenenthal thừa nhận “Thalidomide là thủ phạm gây quái thai, dị tật cho trẻ sơ sinh”.
2* VỤ ÁN DEPARKINE
Dépakine, hoạt chất valproate của hãng dược phẩm Sanofi, được đưa vào thị trường Pháp vào năm 1967. Lúc đầu, các chuyên gia thần kinh đón nhận nhiệt tình và cho rằng “thuốc này có hiệu quả và dường như hợp với người bệnh hơn so với các loại thuốc chống động kinh khác”. Tuy nhiên, sau ba thập niên 1960, 1970 và 1980, giới y khoa đã bắt đầu nhận thấy hiện tượng dị tật thai nhi ở những bà mẹ dùng thuốc depakine. Nhưng phải đợi mãi đến những năm 2016, Cơ quan Thanh tra Xã hội Pháp IGAS chỉ rõ là nguyên nhân dẫn đến gần 500 trường hợp dị tật bẩm sinh trong giai đoạn từ năm 2006 – 2014.
3* MẸ MẮC RUBELLA CON SẼ DỊ TẬT
Bệnh Rubella, sởi Đức (German measles), là bệnh sốt phát ban như bệnh sởi thường thấy. Tuy rubella cũng chỉ là một bệnh phát ban do vi-rút nhẹ, nhưng nếu bệnh xảy ra trên phụ nữ có thai thì có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh (congenital rubella syndrome, CRS) rất nguy hiểm, để lại những di chứng nặng nề cho trẻ sơ sinh: đục thủy tinh thể, mù mắt, điếc, tim bẩm sinh, khuyết tật não và hệ thần kinh…
Theo Hội Sản Phụ khoa Canada, SOGC, có hai nguy cơ khi mẹ nhiễm rubella: (1) Lây vi-rút từ mẹ qua thai nhi: 12 tuần: 80%; 14-24 tuần: 25%, 26-30 tuần: 35%; 36 tuần trở đi: 100%, và (2) Hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS): Dưới 11 tuần: 90%; 11-12 tuần: 33%; 13-14 tuần: 11%; 15-16 tuần: 24%; trên 16 tuần: hiếm 0%.
4* TÁC ĐỘNG LÊN PHÔI DỄ GÂY QUÁI THAI, DỊ TẬT
Nhiều công trình y học chứng minh rõ ràng rằng thalidomide, deparkine, virut rubella dã tác động vào giai đoạn phôi (embryo) là giai đoạn trứng phân chia và các tế bào gốc (stem cell) biệt hóa thành các tế bào, cơ quan, bộ phận khác biệt trong cơ thể. Tác động trong giai đoạn này mới gây ra quái thai hoặc những khuyết tật bẩm sinh.
- TRẺ EM KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI LỚN THU NHỎ !
1* CHẾT VÌ UỐNG XÁI THUỐC PHIỆN
Với người lớn, xái thuốc phiện có tác dụng cầm tiêu chảy rất mạnh. Nhưng nó ức chế mạnh trung khu hô hấp ở hành tủy. Đã có nhiều trường hợp trẻ phải cấp cứu, thậm chí cả tử vong vì được suy diễn cho dùng xái thuốc phiện “giảm liều”.
2* CHẾT VÌ DÙNG THUỐC HO NGƯỜI LỚN
Trong hỗn hợp thuốc ho người lớn thường có chứa chất codein, một dẫn xuất từ thuốc phiện, có tác dụng giảm đau ức chế lên trung tâm ho ở hành não. Vì thế, đa số thuốc ho người lớn đều cấm dùng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ nhũ nhi dưới 3 tuổi bị cấm tuyệt đối.
3* ĐIẾC VÌ DÙNG STREPTOMYCINE
Các kháng sinh nhóm aminoglycoside như Streptomycin, Kanamycine, Gentamycin, Neomycine đều có thể dẫn đến điếc tai. Các kháng sinh này có thể đi qua máu dây rốn gây tổn thương tai trong của thai nhi. Trẻ càng nhỏ tác dụng độc cho tai càng lớn. Do đó, nhóm kháng sinh này rất hạn chế dùng cho trẻ em.
4* RĂNG Ố VÀNG, HƯ MỤC VÌ TETRACYCLINE
Trong thời gian mang thai, nếu người mẹ uống nhiều thuốc kháng sinh họ tetracycline (tetracycline, doxycycline, minocycline) hoặc trẻ uống trong độ tuổi mọc răng sữa, những kháng sinh này có thể tẩm nhuận vào răng làm răng ố vàng.
Trong trường hợp nặng, răng còn có thể bị lỗ chỗ, khiếm khuyết, mất đi hình dạng bình thường.
5* CƠ THỂ TRẺ EM CHƯA HOÀN CHỈNH
Nguyên nhân trẻ em có những nguy cơ, tình huống nêu trên đều xuất phát từ một nhân tố cơ sở là cơ thể trẻ chưa trưởng thành, nhiều cơ quan, chức năng bộ phận chưa hoàn chỉnh như người lớn. Rõ ràng nhất là trung khu thần kinh hô hấp, ngoài dẫn chất thuốc phiện, nhiều loại thuốc “cho người lớn” khác ức chế rõ ràng lên các trung khu này và có thể gây tử vong cho trẻ em.
VI. THAY LỜI KẾT
Sự phát triển thể chất, tinh thần của con người trải qua nhiều giai đoạn: hợp tử-phôi-thai-sơ sinh-nhũ nhi-trẻ nhỏ-thiếu nhi-thanh niên-trưởng thành. Mỗi giai đoạn đều có những đặc thù về cấu tạo, chức năng riêng biệt nên cần có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, thuốc men.. khác nhau…
Phôi, 3 tháng (12 tuần) đầu của thai ký, là giai đoạn phát triển đầu tiên, vô cùng quan trọng của thai nhi. Đây là giai đoạn hợp tử kết hợp bởi noãn và tinh trùng bắt đầu phân chia và các tế bào gốc biệt hóa để cơ thể có những cơ quan, bộ phận khác biệt nhau. Vì thế, tác dụng phụ của thuốc, hóa chất, hay nhiễm bệnh trong giai đoạn này thường để lại hậu quả dị dạng, khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Do đó, trong ba tháng đầu thai kỳ, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm. Cần phòng tránh những bệnh lây nhiễm có thể gây dị tật bẩm sinh như rubella, Zika, cúm… và nên tham khảo bác sĩ để quyết định bỏ thai khi mắc bệnh loại này trong giai đoạn phôi.
Cũng cần lưu ý, nhiều loại thuốc rất an toàn khi sử dụng ở người “bình thường”, nhưng có thể gây nguy hại cho người có thai như aspirin, isotretinoin, vitamin A và một số kháng sinh… vì nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Trong các dược điển thuốc cho thai phụ được xếp hạng an toàn theo thứ tự A, B, C, D và X. Nhóm loại ‘A’ được coi là an toàn nhất, và ‘X’ là không được sử dụng trong thai kỳ trong bất kỳ tình huống nào.
Cơ thể trẻ em dù đầy đủ bộ phận, hệ thống nhưng chưa trưởng thành, nhiều cơ quan, chức năng bộ phận chưa hoàn chỉnh như người lớn. Đặc biệt nhất là trung khu thần kinh, hô hấp, và hệ miễn dịch…Do đó, nhiều thuốc “cho người lớn”, như dẫn chất thuốc phiện, thuốc hướng thần kinh, nội tiết không thể giảm, chia nhỏ liếu để dùng cho trẻ con.
Tất cả nhân viên y tế mọi tầng cấp đều ghi lòng lời dặn “PHÔI KHÁC THAI, TRẺ EM KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI LỚN THU NHỎ”
Vaccine ngừa COVID-19 rất cần thiết để bảo vệ các bà mẹ mang thai, trẻ nhỏ, nhưng để tránh những nguy cơ trong giai đoạn phôi, giai đoạn biệt hóa cơ quan, và cho trẻ nhỏ đang giai đoạn phát triển để trưởng thành, ngành y tế quy định chỉ không tiêm chủng vaccine cho bà mẹ có tuổi thai dưới 13 tuần và trẻ em dưới 12 tuổi.
VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vì sao phụ nữ mang thai có thể tiêm phòng vaccine COVID-19?
https://laodong.vn/y-te/vi-sao-phu-nu-mang-thai-co-the-tiem-phong-vaccine-covid-19-941452.ldo
[2] Vì sao phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin?
[3] The thalidomide tragedy: lessons for drug safety and regulationhttps://helix.northwestern.edu/article/thalidomide-tragedy-lessons-drug-safety-and-regulation
[4] what is thalidomide and how did it cause so much harm?[5] Sanofi epilepsy drug linked to over 4,000 child deformities
[6] Epilepsy drug ‘responsible for 4,100 birth defects’ in France
[7]Epilepsy drugs and effects on fetal development: Potential mechanisms
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3697215/
[8] Rubella và thai nghén
http://www.baodanang.vn/channel/5425/201411/suc-khoe-cua-ban-rubella-va-thainghen-2372325/
[9] Zika Appears to Cause Birth Defects in 1 in 10 Pregnancies
[10] Congenital Zika Syndrome & Other Birth Defects
https://www.cdc.gov/pregnancy/zika/testing-follow-up/zika-syndrome-birth-defects.html
[11] 5 Infections That Cause Birth Defects
https://www.verywellfamily.com/infections-that-cause-birth-defects-4140389
[12] Drug-Induced Birth Defectshttps://www.medindia.net/patients/patientinfo/drug-induced-birth-defects.htm
[13] Tetracycline-Induced Discoloration of Deciduous Teethhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4109251/
[14] Teeth stained by tetracycline
[15] Study of streptomycin-induced ototoxicity
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4912548/
[16] Mechanisms of Aminoglycoside Ototoxicity